Cậu bạn thích tôi 19 năm kết hôn rồi – Phần 4

…..
Mùa đông năm 2008, tôi vừa mới tan học lớp thực nghiệm buổi tối, lúc trở về kí túc xá, tôi nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy xa lạ.
Tôi nghe điện thoại: “Alo”
Không có hồi âm, tôi cứ nghĩ là ai đó gọi nhầm, đang tính cúp thì trong điện thoại vang lên giọng nói, chỉ vỏn vẹn hai từ: “Hà Hảo”.
Trái tim tôi như ngừng đập, đột nhiên rất, rất muốn òa lên khóc.
Tôi nói: “Tiếu Tùng, cậu không có nhân tính.”
Cậu ấy không trả lời câu hỏi này của tôi.
Cậu ấy dùng giọng điệu hết sức bình tĩnh, không chút tình cảm nào hỏi tôi: “Hả Hảo, cậu có nhớ mình không?”
Chưa đợi tôi kịp trả lời, cậu ấy lại gằn giọng: “Nhớ hay không?”
Tôi nói: “Nhớ”
Cậu ấy nói: “Ừ”
Sau đó cúp máy, chỉ để lại tôi ngồi ngẩn ra, vừa tức giận vừa khóc. Tôi nghĩ Tiếu Tùng con mẹ nhà cậu, cậu không phải là người. Bao lâu rồi mới gọi cho tôi, gọi đúng 13 giây, dùng 13 giây để chứng minh tôi nhớ cậu sau đó không nói gì mà cúp máy, cậu thiếu tiền điện thoại chắc.
Còn nhớ ngày thứ hai khi tôi tỉnh dậy đã là ba giờ chiều, hai mí mắt khóc đến nỗi sưng lên như hai trái đào.
Bạn cùng phòng người thì đi hẹn hò, người thì đi lên lớp, người đi học lái xe. Tôi đói đến hoa mày chóng mặt, thực sự là chịu không nổi mới miễn cưỡng bò ra khỏi giường mang đôi dép lê trùm áo khoác lết xuống canteen.
Cậu bạn thích tôi 19 năm kết hôn rồi – Phần 4

 

Vừa ra khỏi kí túc xá, tôi nhìn thấy ở ngoài sân kí túc một người tuyết cao cao gầy gầy, mặc một cái áo khoác sọc đen trắng, gương mặt lạnh cóng đến gần như trong suốt, phía sau là một màn trời tuyết điểm những cây thông xanh cũng phủ toàn thân tuyết bạc.
Tôi nhớ mình đã ngẩn ra ở đó rất lâu, đến lúc định thần lại, tôi nói: “Cậu đợi ở đây lâu lắm rồi hả, sao không gọi điện cho mình?”
Cậu ấy ấm ức nói: “Cậu tắt di động rồi.”
Bỗng cảm thấy thương cậu ấy đến thắt lòng, tôi nói: “Cậu ở đây đợi mình một chút, mình lên lầu thay giày.”
Tôi dùng tốc độ nhanh nhất phóng lên lầu thay đồ ngủ và dép lê, vơ lấy bao ủ tay rồi bay xuống lầu.
Tôi đưa bao ủ tay cho Tiếu Tùng rồi dẫn cậu ấy đến quán lẩu gần trường nhất.
Tiếu Tùng đói sắp xỉu, cậu ấy đã gần hai mươi tiếng đồng hồ không ăn không ngủ.
Tôi nói: “Mấy chị tiếp viên hàng không để cậu chết đói à?”
Cậu ấy nói: “Lúc đó mình không muốn ăn gì hết.”
Tôi nói: “Cậu về mẹ cậu biết không?”
Cậu ấy nói: “Mình trốn về đó.”
Tôi hỏi: “Tối nay cậu ở đâu?”
Cậu ấy nói: “Cậu đưa mình đi xem băng đăng đi.”
Tôi hôm đó chúng tôi đi xem băng đăng, đó là một tòa thành băng cổ tích rực rỡ lung linh, tôi và Tiếu Tùng như là những người dân nhỏ bé trong tòa thành màu sắc ấy.
Để leo lên tòa tháp cao nhất phải leo qua năm cầu thang rất dài, Tiếu Tùng nói muốn leo lên, tôi không muốn leo, thế là chúng tôi cãi nhau ngay dưới chân tòa tháp đó.
Cậu ấy chắc là chê tôi lùn, cúi đầu cãi nhau mệt nên gác tay lên vai tôi tiếp tục cãi.
Đến khi chúng tôi ngừng cãi mà liếc nhau thì có một chị gái người nước ngoài tóc nâu đến chào hỏi tôi và Tiếu Tùng, chị đưa máy ảnh trong tay cho chúng tôi xem, trong đó có một tấm ảnh, là tôi và Tiếu Tùng đang lườm nhau.
Nếu không có người nước ngoài nọ, tôi sẽ không nhận ra, tiếng Anh của Tiếu Tùng đã tốt đến vậy.
Còn nhớ trước đây, tiếng Anh của cậu ấy còn là do tôi phụ đạo.
Chị gái ấy tên là một du khách tự do, chị ấy và máy ảnh của mình đã ghi lại rất nhiều con đường đã đi qua. Chị ấy để lại Facebook của mình nói sẽ gửi ảnh qua, hỏi chúng tôi có đồng ý không.
Chúng tôi đương nhiên không có ý kiến gì.
Xem băng đăng chán chê, chúng tôi đi đến một nhà nghỉ gần đó đặt phòng.
Lúc nhỏ, tôi và Tiếu Tùng thường chơi ở nhà tôi đến rất trễ sau đó cùng nhau leo lên giường hi ha ngủ cùng nhau, cậu gác lên eo tôi, tôi đạp vào mặt cậu.
Nhưng tối nay chúng tôi đều đã lớn, đã hiểu chuyện rồi nên cố gắng yên tĩnh, cố gắng tỏ ra bình thường nhất có thể, lắng nghe tiếng thở của người kia trong bóng tối.
Tôi mở mắt nhìn cánh quạt trần đen xì, hỏi cậu ấy: “Ngày mai cậu đi rồi phải không?”
Cậu ấy ừ một tiếng.
Tôi nói: “Sao cậu về bất ngờ vậy.”
Cậu ấy nói: “Vì cậu nói cậu nhớ mình.”
Tôi nói: “Ừ, mình tin cậu.”
Cậu ấy nói: “Vậy mình có thể tạm biệt cậu không?”
Tôi nói: “Có thể.”
Một nửa giường bên cạnh hẫng lên, cậu ấy quay người ôm lấy tôi, để tôi cúi đầu trong lồng ngực cậu, đưa tay vuốt đỉnh đầu tôi.
Tôi nói: “Chị cậu bị cậu làm cho sắp nghẹt thở đến nơi rồi.”
Cậu ấy nói: “Mình biết thế nào mà, không chết được đâu.”
Chúng tôi đều không nói tiếp, im lặng rất lâu, khi tôi bắt đầu buồn ngủ thì nghe thấy cậu ấy gọi, âm thanh từ trên đỉnh đầu truyền xuống ngực cậu ấy, sau đó truyền tới tai tôi.
Cậu ấy nói: “Hà Hảo”
“Ừ”
“Bởi vì mình nhớ cậu.”
Từ khi bắt đầu hiểu chuyện đến lúc hai mươi mấy tuổi, tất cả bình phàn và lãng mạn, cảm động và buồn thương, nước mắt và tiếng cười của tôi đều do Tiếu Tùng mang lại. Cậu ấy cùng những điều nhỏ bé vụn vặt hòa trộn vào cuộc đời của tôi, trở thành một phần trong sinh mệnh của tôi.
Sau này, không ai có thể giống như cậu bé năm ấy, dùng một cuộc điện thoại 13 giây để chứng tỏ nỗi nhớ, lại dùng hai mươi tiếng đồng hồ không ngủ vượt biển về để gặp tôi nữa.
……
Ngày hôm sau, khi Tiếu Tùng vừa lên máy bay khoảng một tiếng đồng hồ, khi tôi đang trên xe từ sân bay về đến trường thì nhận được điện thoại của mẹ Tiếu Tùng.
Cô ấy hỏi: “Cháu là Hà Hảo phải không?”
Tôi nói: “Vâng ạ.”
“Tiếu Tùng có phải về nước tìm cháu không?”
Tôi ngập ngừng một chút rồi trả lời thành thật: “Vâng ạ, nhưng cậu ấy đã lên máy bay về Anh rồi ạ.”
Cô ấy nói: “Cô không biết cháu và nó nói những gì để nó từ tận nơi xa xôi như vậy về gặp cháu. Cô nghĩ là cháu nên biết sau này Tiếu Tùng sẽ còn phát triển rất tốt, nó thông minh cầu tiến, cô sẽ vì nó mà làm tất cả, cháu hiểu không?”
“Dạ cháu hiểu.”
Cô ấy lại nói: “Cô và bố nó cực khổ suốt nửa đời người, tất cả chỉ vì Tiếu Tùng, cũng hy vọng sau này nó có thể tìm một người con gái môn đăng hộ đối có thể giúp đỡ nó chứ không phải người lúc nó đang học hành cực khổ kéo nó đi hẹn hò, cháu hiểu không?”
Tôi nói: “Cô ơi, cô hiểu lầm rồi.”
Cô ấy nói: “Cháu không cần giải thích nữa, cô nghe nói rồi, cháu và Tiểu Tùng từ nhỏ quan hệ rất tốt nên khó tránh khỏi nảy sinh tình cảm, nhưng đó đều là việc đã qua rồi. Sau này khi lớn lên có gia đình rồi, nghĩ lại cũng chỉ coi đó là trò chơi trẻ con thôi.”
Tôi nói: “Cô à, cô yên tâm, hai đứa cháu trước đây chưa từng yêu nhau, hơn nữa cháu bây giờ có bạn trai rồi, cũng rất hạnh phúc. Cháu chúc cô tìm được cho con trai cô một người môn đăng hộ đối, dâu hiền vợ thảo. Cô à, cháu có việc, cháu xin phép, tạm biệt cô.”
Tôi cúp điện thoại, nước mắt không ngừng rơi.
Trong những năm tháng thanh xuân của tuổi hai mươi, chúng ta không có tiền không có địa vị, nghèo đến nỗi chỉ còn lại lòng tự trọng. Bởi vậy để bảo vệ chút tự trọng này, chúng ta có thể đánh đổi tất cả.
Qua gương chiếu hậu, một người tài xế hơn bốn mươi tuổi đang tò mò nhìn tôi.
Chú ấy ấy nói: “Cô bé à, chú lúc trẻ có một cô bạn gái, chú rất thích cô ấy, cô ấy cũng rất thích chú nhưng mẹ cô ấy không thích chú. Nhưng chú không sợ, chú cảm giác thích nhau là việc của hai người, chú đâu có cưới mẹ cô ấy.”
Tôi hỏi: “Sau này thì sao?”
Chú ấy nói: “Chia tay”
Tôi hỏi: “Tại sao ạ?”
Chú ấy trả lời: “Vì mẹ cô ấy.”
Tôi nhớ lại Tiếu Tùng trước khi lên máy bay, cậu ấy đột nhiên quay người lại hỏi tôi: “Hà Hảo, cậu có thể đừng vội ở bên người khác được không?”
Tôi nói: “Cậu quản cũng nhiều quá rồi đó.”
Cậu ấy trợn mắt với tôi, giận muốn xì khói.
Một lúc sau nguôi giận rồi, cậu ấy nghiêm túc hỏi tôi: “Được không?”
…..
Sau này, tôi chỉ nói chuyện điện thoại với Tiếu Tùng hai lần.
Trong điện thoại tôi nói với cậu ấy: “Tiếu Tùng, mình có bạn trai rồi.”
Cậu ấy nói: “Cậu nói lại một lần.”
Tôi nói: “Mình có bạn trai rồi.”
Cậu ấy nói: “Hà Hảo, cậu lừa mình.”
Tôi nói: “Mình không lừa cậu. Anh ấy tên là Đỗ Phi, mẹ mình chắc có kể với cậu rồi.”
Cậu ấy nói: “Mình không tin.”
Tôi nói: “Anh ấy đang ngồi bên cạnh mình này, cậu có muốn chào hỏi một câu không?”
Cậu ấy nói: “Hà Hảo, mình hận không thể giết chết cậu.”
Điện thoại bị cậu ấy điên tiết cúp ngang. Đỗ Phi ngồi bên cười: “Xem ra anh không có cơ hội giương oai diễu võ rồi.”
Tôi nói: “Em hiểu cậu ấy, cậu ấy sẽ không nói chuyện với anh đâu. Cho dù anh đứng bên cạnh cậu ấy cũng coi anh như không khí. Cám ơn đàn anh nhé!”
Lần thứ hai là vào bốn giờ sáng, tôi đang ngủ thì điện thoại bên tai reo ầm ỹ, tôi đưa mắt nhìn số điện thoại thì đã tỉnh một nửa.
Tôi nghe máy, bên kia không nói gì chỉ nghe thấy tiếng thở rất sâu, tôi nghĩ cậu ấy uống say rồi.
“Tiếu Tùng”
“Hà Hảo, mình nhớ cậu.”
“Ừ, cậu ở đâu?”
“Mình không dám nghĩ đến chuyện cậu ở bên người khác.”
“Tiếu Tùng, cậu uống nhiều rồi.”
“Hà Hảo, mình không gặp được câu, mình ở nước Anh chịu không nổi.”
Bốn giờ sáng ngày hôm đó, trời còn chưa sáng, tôi ghì chặt điện thoại đến đau cả tay mà câu mình muốn nói nhất vẫn không thể thốt ra.
Sau đó tôi nói: “Cậu yên tâm học hành.”
Cậu ấy nói: “Mình có thể cố gắng trưởng thành hơn anh ta, mình có thể tốt với cậu hơn nữa.”
Tôi nói: “Tiếu Tùng, cậu luôn luôn là em trai mình.”
Rất lâu sau không thấy trả lời, sau đó, cậu ấy hỏi tôi: “Hà Hảo, sao cậu có thể độc ác đến như vậy?”
…..
Từ đó về sau, Tiếu Tùng không bao giờ gọi điện tới nữa. Tất cả mọi người đều cho rằng Tiếu Tùng uống say sẽ không nói năng gì, thực ra khi uống say cậy ấy chỉ nói lời thật lòng, chỉ nói lời muốn nói nhất.
Bất luận là cậu ấy hay là tôi, chúng tôi đều tưởng rằng người cùng lớn lên với mình thì nửa đời sau cũng chẳng có lý do gì để rời xa, bởi vậy chúng tôi không vội vàng.
Cãi nhau cũng không vội vàng, vì cứ nghĩ rồi sẽ có ngày lại huề.
Chia tay không vội vàng, vì cứ nghĩ sẽ có ngày gặp lại.
Yêu cũng không vội vàng, vì nghĩ cứ thế này, bên nhau cả một đời
Đến khi chúng tôi cãi nhau đến không thể làm huề nữa, chia xa đến không thể gặp lại, chúng tôi đột nhiên nhận ra không kịp nữa.
Không kịp yêu nhau.
Không kịp ở bên nhau.
Cậu bé của tôi, tôi cùng cậu lớn lên nhưng lại không thể cùng cậu già đi.
…..
Sau khi tốt nghiệp, tôi trở thành người biên tập tạp chí.
Bạn đại học cùng bạn cô ấy mở một tiệm váy cưới, nhờ tôi làm người mẫu giúp cô ấy chụp hình váy cưới.
“Cậu phải trả tiền công đấy nhé.” Tôi nói đùa
Bạn học nói: “Một bát mì cay nhé.”
“Mình chỉ đáng giá một bát mì thôi sao?
“Vậy thì mình tìm thêm cho cậu một chú rể.”
Vốn tưởng là nói đùa cho vui, đến rồi mới biết, cô dâu là tôi, chú rể là Đỗ Phi, tôi hiểu ra họ đang có ý định ghép cặp cho tôi.
Bạn học nháy mắt với tôi hỏi: “Thế nào, chú rể này sao hả?”
Tôi nói: “Cậu đừng vớ vẩn, nếu yêu nhau thì tụi mình đã yêu từ lâu rồi.”
Bộ ảnh cưới đó rất đẹp, tôi nhìn những bức ảnh trên màn hình đúng là rất giống một đôi vợ chồng.
Đỗ Phi cười nói: “Bây giờ chúng ta chỉ thiếu một tờ chứng nhận kết hôn thôi.”
Tôi nhìn anh ấy, anh ấy vỗ vỗ vai tôi: “Em đừng tưởng thật, anh chỉ nói đùa thôi.”
…..
Sau khi chụp bộ ảnh cưới đó không lâu, Đổng Dã hẹn tôi đi uống trà. Tôi chọc cậu ấy: “Bày vẽ gì đấy, còn bày đặt uống trà.”
Cậu ấy bảo: “Cậu không hiểu rồi, đây chính là nghệ thuật.”
Chúng tôi vừa thưởng thức nghệ thuật vừa nói chuyện đông chuyện tây.
Cuối cùng tôi biết, cậu ấy vòng vèo mãi, chủ yếu là có một vấn đề muốn hỏi tôi: “Hà Hảo, có phải là cậu sắp kết hôn rồi không?”
Tôi nói: “Cậu nghe ai nói vậy?”
Cậu ấy bảo: “Có người nhìn thấy hình cậu mặc váy cưới, người đó đưa lên mạng, tụi mình đều thấy cả rồi.”
Tôi nói: “Không phải đâu, là mình làm người mẫu cho cửa hàng váy cưới của bạn mình thôi.”
Cậu ấy nói ừ, sau đó do dự mãi mới nói: “Tiếu Tùng từng hỏi mình có phải cậu sắp kết hôn không.”
Tim tôi nhói một cái, sau đó bảo: “Cậu cứ nói với cậu ấy, mình sắp kết hôn rồi.”
…..
Bố mẹ gói bánh chẻo ở trong bếp, tôi trước đây không nhận ra, tóc bố mẹ đã bạc từ bao giờ.
Mẹ tôi vừa cắt vỏ bánh vừa kể lể: “Mẹ nhớ lúc con và Tiếu Tùng còn nhỏ, hai nhà cùng nhau ăn tết, nhân bánh chẻo của bà nội Tiếu con làm vô cùng ngon.”
Sau khi Tiếu Tùng đi du học thì bà nội Tiếu cũng dọn đến ở với con gái, nhà đối diện dọn vào một cặp vợ chồng với một đứa con gái bảy tám tuổi.
Bé gái nọ thường chạy qua đòi tôi đan tóc, son môi cho.
Cảnh vẫn thế mà người đã không ở đây nữa.
Mẹ tôi nói: “Hảo Hảo, bà nội Tiếu con nói Tiếu Tùng có bạn gái rồi, cũng là du học sinh Anh, rất xinh đẹp, Tiếu Tùng bảo với bà là tháng 6 này sẽ tổ chức hôn lễ. Thật tốt, Tiếu Tùng cũng lớn rồi.”
Cái Tết năm đó, tôi trong tiếng pháo rộn rã mà lần đầu nhận thức được một cách rõ ràng: Cậu ấy không phải là của tôi nữa.
Từ đó Tiếu Tùng là Tiếu Tùng, Hà Hảo là Hà Hảo.
Hà Hảo ở bên Tiếu Tùng là chuyện của một tấm ảnh cũ, là chuyện đã rất lâu rồi.
…..
Từ tháng một đến tháng sáu, thời gian chưa bao giờ trôi nhanh đến vậy.
Ngày Tiếu Tùng kết hôn, tôi và Bình Tử ngồi trước một nồi lẩu cá, trong bụng toàn là rượu, chúng tôi uống đến khi khách trong quán đã đi hết, uống đến khi đêm đã khuya, tôi nằm bò trên bàn khóc mãi, khóc mãi. Bình Tử cũng khóc với tôi.
Tôi không nói với Bình Tử, trong mấy tháng qua, Tiếu Tùng từng gọi điện cho tôi, cậu ấy nói: “Hà Hảo, chỉ cần cậu như năm đó, nói một câu nhớ mình, mình sẽ bỏ lại tất cả ở đây, quay về tìm cậu.”
Tôi đã sắp nói ra rồi, tôi muốn nói tôi nhớ cậu ấy, tôi rất nhớ cậu ấy, hai mươi mấy năm qua, tôi chưa bao giờ nhớ cậu ấy đến vậy.
Nhưng tôi nhất định không nói, tôi cắn chặt môi không nói.
Tôi cũng không nói với cậy ấy, một buổi tối trước đó, tôi nhận được một email không có đề tên người gửi.
Email viết rằng:
“Khi còn nhỏ, con khỉ muốn có mặt trăng, cũng biết mặt trăng không ở trong nước mà ở trên trời. Vì vậy con khỉ muốn trở thành Tề Thiên Đại Thánh, có thể bay một phát một vạn tám ngàn trượng đi đến bên mặt trăng. Sau này con khỉ mới biết, khỉ có rất nhiều nhưng Tề Thiên Đại Thánh chỉ có một.
Con khỉ muốn xin lỗi mặt trăng, bởi vì không thể trở thành Tề Thiên Đại Thánh của mặt trăng được.”
Tôi gặp đôi tình nhân ấy là cuối năm 2015, khi tôi đón tàu về quê.
Lúc đó bên ngoài đang có tuyết nhỏ, tôi vội vội vàng vàng tìm toa của mình xong mới nghĩ tới việc xem lại đây có đúng là chỗ của mình không, tôi mắt nhìn vé tàu tay kéo một người lại hỏi: “Xin hỏi đây là toa số mấy ạ?”
“Tám”
Câu trả lời rất ngắn nhưng khiến tôi không thể không hiếu kì mà ngẩng đầu lên nhìn người chỉ dùng một từ trả lời tôi này.
Đó là một người con trai hơi gầy với dáng người thẳng tắp, nói đúng hơn, là sự giao thoa giữa con trai và đàn ông, gương mặt đặc biệt anh tuấn.
Vì lối đi giữa các toa tàu chật chội, cậu ta rất lịch sự nhường đường cho tôi đi qua, từng cử động đều toát lên vẻ lịch lãm,
Tôi gật đầu cám ơn, sau đó đi về phía trước, đi tới đi tới mới phát hiện đi nhầm toa lại vội vàng quay lại tìm chỗ ngồi.
Cuối cùng tìm được chỗ, ngồi xuống nhìn lên đối diện, trong lòng thầm thốt lên: thật là trùng hợp.
Người con trai ấy, đã không còn dáng vẻ lạnh lùng khi nãy nữa mà bây giờ cả người đều toát lên vẻ trẻ con. Cậu ấy tựa đầu vào một bên cửa, chống cùi chỏ lên bàn, lòng bàn tay chống cằm, ánh mắt dán lên người cô gái nọ, hai người đang nhỏ giọng nói chuyện gì đó.
Mái tóc đen dài của cô gái thả ngang vai, mềm mại và xinh đẹp.
Góc độ này, thật đẹp.
Thời gian vừa đẹp, ánh sáng vừa đẹp, vẻ đẹp của cô ấy cũng vừa đẹp.
Tôi nghĩ đến một đêm dài sắp tới trên tàu phải trải qua cùng hai người bọn họ, tâm trạng bỗng thấy vui vẻ. Bởi vậy khi cô gái ấy quay về phía tôi, tôi liền chào hỏi: “Hi, tôi vừa nãy bên ngoài gặp….”
Lời nói được một nửa, tôi đột nhiên không biết xưng hô như thế nào.
May thay cô gái ấy đỡ lời tôi, cô ấy cười một cái nói: “Em trai tôi.”
Tôi cười cười nói tiếp: “Vừa đúng gặp em trai bạn, còn hỏi đường đến đây nữa.”
Bắt đầu từ đó chúng tôi nói chuyện với nhau.
Câu chuyện giữa các cô gái với nhau thật đơn giản, nói về phim truyền hình, nói về sở thích chung, nói đến cuộc sống tình cảm, nói đến nỗi như hận đã gặp nhau quá muộn vậy.
Chỉ có cậu bạn đó vẫn yên tĩnh ngồi bên chị của cậu, thỉnh thoảng chợp mắt, thỉnh thoảng nghịch điện thoại, không quá quan tâm đến cuộc nói chuyện của chị cậu và người khác.
Màn đêm buông xuống, cảnh vật ngoài cửa sổ vùn vụt trôi qua, những ngọn núi ở ở phía xa kéo dài tưởng chừng bất tận.
Những bông tuyết lông ngỗng nhỏ bị gió cuốn len lỏi rơi vào góc toa. Trong toa rất nhiều khách đều đã đi ngủ, có tiếng ngáy nhỏ ở đâu đó vang lên đều đều.
Cô ấy ngoảnh đầu qua hỏi em trai: “Cậu có muốn đi ngủ một lúc không, sáng mai mới tới trạm, khi nào tới mình gọi cậu.”
Cậu ấy nói: “Không, sáng quá, không ngủ được.”
Cô ấy giả bộ thở dài nói: “Ở nước ngoài điều kiện tốt quá, chiều hư cậu luôn rồi.”
Cậu ấy nói: “Không ai dễ nuôi như cậu, chỗ nào cũng ngủ được.”
Tôi nghe hai người bọn họ mỗi người một câu nói chuyện, hơi buồn cười nhưng lại rất ngưỡng mộ.
Cô ấy không chấp cậu ấy đang bĩu môi, nói với cậu: “Cậu ngủ đi, mình che cho.”
Cậu ấy thật sự nghe lời cô, ngoan ngoãn tìm tư thế thích hợp, chỉ là tư thế này thì có hơn nửa người dựa trên vai cô gái.
Cậu ấy nhắm mắt nói với cô: “Thế này nhé, mình ngủ đây.”
Cô ấy mở miệng tính nói gì đó nhưng lại dịu dàng bất lực lật nón áo khoác của cậy bé lên, che kín đầu cậu, sau đó lại nhẹ nhàng kéo thêm xuống để che kín mắt cậu.
Nửa gương mặt sạch sẽ trẻ trung được ẩn trong bóng tối.
Cô ấy và cậu ấy.
Dưới ánh sáng và tình cảnh lúc đó, khung cảnh trong toa xe trở nên dài vô tận.
Ngồi bên cạnh tôi là một chú khoảng hơn bốn mươi tuổi, giống như cậu ấy, không hề tham dự vào câu chuyện của tôi và cô ấy.
Một lúc sau, đoán là cậu bé đã ngủ say, chú bên cạnh chắc là nổi hứng muốn nói chuyện, cười nói với cô ấy: “Lúc đầu tôi cứ tưởng hai người là người yêu cơ đấy.”
Cô ấy chưa nói gì thì khuôn mặt đang ẩn dưới mũ áo kia lên tiếng: “Đúng là người yêu đó.”
Một câu khiến tôi và ông chú nọ đều há hốc mồm ngạc nhiên.
Cô ấy nhìn người cái đầu đang dựa trên vai mình hỏi: “Sao cậu còn chưa ngủ?”
Cậu ấy nói: “Chưa ngủ được thôi.”
Ông chú ngạc nhiên hỏi lại: “Thật à?”
Cô ấy cười cười gật đầu: “Thật.”
Sau đó cho dù tôi không nhìn được nửa gương mặt đang ẩn sau lớp mũ áo kia, tôi vẫn cảm thấy cả người cậu ấy dường như thả lỏng thoải mái hơn rất nhiều. Tôi nghĩ đó là do giác quan thứ sáu của phụ nữ.
Sau đó, hơi thở của cậu ấy đều dần, thực sự là đã ngủ say rồi.
Tôi nói: “Lần này hai người về ăn tết nhỉ?”
“Vâng, người nhà điện thoại mấy lần gọi chúng tôi trở về.”
Giọng nói của cô rất nhẹ, sợ làm người đang ngủ trên vai tỉnh giấc.
Tôi nói: “Lúc đầu tôi cũng tưởng hai người là người yêu, sau đó nhìn hai người nói chuyện thì lại cảm giác không giống lắm.”
Trong mắt cô ấy ánh lên tia cười nhè nhẹ: “Nghe nói người ta yêu nhau có mấy giai đoạn này nọ, chúng tôi hình như chẳng có giai đoạn gì, từ lớn đến nhỏ rồi bắt đầu từ củi gạo dầu mắm luôn, những giai đoạn gì gì đó đều bỏ qua.”
Tôi nói: “Thật là tốt, từ nhỏ đến lớn chưa từng rời xa.”
Cô ấy nói: “Không, chúng tôi đã từng rời xa, còn suýt chút lạc mất nhau.”
Trong câu nói này dường như có rất nhiều, rất nhiều câu chuyện.
Cô ấy nói: “Khi giận dỗi sẽ luôn khiến bản thân sai lầm, sẽ nói những lời nói dối khiến đối phương tổn thương. Có một số người sẽ ôm những lời nói dối đó mà đau khổ cả cuộc đời.”
Một đời, dài như thế.
Đêm muộn, chúng tôi không kìm được mà ngủ gà ngủ gật.
Sáng sớm 5 giờ, tàu vào ga.
Trong bốn người, cô ấy là người dậy sớm nhất. Cô nhẹ nhàng gọi người trên vai dậy: “Đến rồi, mặc áo khoác vào đi, bên ngoài lạnh đó.”
Cậu ấy mở đôi mắt nửa tỉnh nửa mơ, nghe lời cô kéo khóa áo khoác lên.
Ba người chúng tôi chuẩn bị xuống tàu, ông chú tiếp tục ngồi đến trạm sau.
Người xuống tàu rất đông, chen chúc ở cửa tàu, đợi tàu vừa dừng lại là đi xuống.
Tôi đi theo dòng người, chưa ra đến bên ngoài đã cảm thấy không khí lạnh lẽo trong lành tràn vào phổi, trời chưa sáng, phía xa một dải mây dát bạc ửng ửng hồng.
Tôi nhấc hành lý, đột nhiên nhớ lại chuyện tối qua, tôi hỏi cô ấy sau đó ra sao.
Cô gái ấy, dùng đầu ngón tay chấm hai chấm cách nhau 5 centimet trên mặt kính phủ hơi sương lạnh của cửa sổ, sau đó dùng ngón trỏ nối hai điểm đó lại với nhau. Hơn mười hai ngàn năm trăm kilomet dưới ngón tay của cô ấy đã nối lại được với nhau.
Dễ dàng biết bao mà cũng khó khăn biết bao.
Cô ấy nói: “Cậu ấy trước đây từ nơi rất xa rất xa về tìm tôi. Sau này, tôi theo đường cũ, theo đường cậu ấy đến, vượt tất cả để đi tìm cậu ấy, nói một câu: Mình nhớ cậu.”
Tôi quay đầu, cố gắng tìm kiếm bóng họ trong dòng người.
Cuối cùng, ở giữa những người đang chen chúc rời khỏi, tôi nhìn thấy bóng lưng bọn họ.
Khi đó, những lời nói khiến người xung quanh nghe không hiểu cũng từ từ đi xa dần.
“Chúng ta làm huề rồi hả?”
“Ừ, huề rồi.”
“Vậy cậu còn rời xa mình không?”
“Mình và mẹ mình, ai nấu ăn ngon hơn.”
“Cậu nấu ngon hơn.”
“Được, vậy mình không rời xa cậu nữa.”
— Hết—
Scroll to Top