Cậu bạn thích tôi 19 năm kết hôn rồi – Phần 1

Buổi tối mùa hè, trời nóng, có gió.
Bạn cùng phòng ký túc xá của tôi Tiểu Bình từ nước ngoài trở về, đặc biệt gọi điện thoại vòi vĩnh với tôi đòi ăn cá nướng, còn đe dọa sẽ vắt kiệt tiền lương của tôi tháng này, tôi nói đùa qua điện thoại: “Chỉ cần cậu ăn được, mình mời cậu ăn cả cái sông Tùng Hoa này luôn.”
Lâu lắm rồi không gặp, Bình Từ đẫy đà ra khá nhiều, chúng tôi ngồi bên một bàn lẩu cá bốc khói nghi ngút tám từ chuyện thời đại học đến công việc hiện tại, từ chuyện những ngôi sao Hàn Quốc đang hot đến chuyện hợp hợp tan tan giữa Tạ Đình Phong và Vương Phi. Đang vui, Bình Tử gọi hai chai rượu Mao Đài, nói như vậy mới hợp tình hợp cảnh.
Tôi vì cái sự “hợp tình hợp cảnh” của cô ấy, cạn trước một ly.
Bình Tử gắp một miếng cá nói: “Được rồi, trên mạng có một truyện đang rất hot, tên là gì nhỉ, 《Cô gái tôi thích mười năm hôm nay kết hôn rồi》, haizz, thật đáng tiếc.”
Tôi ồ lên một tiếng: “Trùng hợp vậy.”
Cô ấy thắc mắc: “Trùng hợp cái gì? Cô gái cậu thích hôm nay cũng kết hôn hả?”
Tôi nói: “Khỉ khô, mình nói người thích mình…”
Tôi xòe tay ra đếm đếm: “Cậu bạn thích mình mười chín năm, hôm nay cũng kết hôn rồi.”
Bình Tử tròn mắt hỏi: “Cậu nói ai, sao mình không biết?”
Tôi nói: “Cậu sao mà biết được, không ai biết hết.”
Bình Tử ngây mặt hỏi: “Đâu, anh bạn ấy như thế nào, đưa mình xem xem.”
Tôi móc điện thoại, lướt đến một tấm hình, là hình tôi và một cậu ấy chụp chung khi xem băng đăng ở quảng trường vào mùa đông năm đó. Cậu ấy quàng khăn len đen trắng, dái tai lạnh cóng đến đỏ ửng, thân hình rất cao của cậu ấy khoác tay lên vai tôi, nghiêng đầu nhìn tôi, gương mặt có vẻ không vui với cặp lông mày đen dày đang nhíu lại sáng rực rỡ dưới ánh sáng lung linh của băng đăng.
Trong hình, ánh sáng chiếu trên mặt tôi hơi tối nhìn không rõ biểu cảm, có thể nhận thấy là tôi đang lườm cậu ấy, nhưng nhìn thoáng qua không hiểu sao hai người lại có vẻ như đang “nhìn nhau thâm tình”.
Bình Tử cầm điện thoại nhìn nửa ngày, chắc là đang tập trung nhớ lại. Một lúc sau, cô ấy hì hì nói: “Ôi giời, đây không phải là cậu hồi đại học hả, anh bạn này ở trường nào vậy? Sao mình chưa gặp bao giờ?”
Tôi nói: “Chẳng ở trường nào cả.”
Bình Tử lại bĩu môi: “Không phải cậu nói hôm nay anh ta kết hôn sao, cô dâu thế nào, có xinh hơn cậu không, xinh đến cỡ nào?”
Xinh đến cỡ nào?
Tôi đang nghĩ nên trả lời thế nào.
Nhìn hơi khói nóng trên nồi lẩu đang mỏng dần và rượu trong chai Mao Đài đã gần chạm đáy, tôi cúi đầu, hơi rượu thiêu đốt má tôi nóng đỏ, nóng đến mức tôi gần như không mở nổi mắt.
Một lúc lâu sau, tôi nói: “Chắc là còn đẹp hơn cả mặt trăng ấy.”
Cậu bạn thích tôi 19 năm kết hôn rồi – Phần 1
…..
Mùa đông năm 2008, ảnh chụp ở Cáp Nhĩ Tân.
Hai mươi mấy tiếng trước khi Tiếu Tùng và tôi đứng trước máy ảnh ở đêm hội Băng Đăng 2008, cậu ấy vẫn đang giả bộ làm quý ông dưới ánh sáng mặt trời ở Vương quốc Anh ẩm ướt, nghiên cứu mớ sách tài chính khó hiểu hơn cả cái chết.
Lúc xuất hiện trước mặt tôi cậu ấy chỉ nói một câu.
Cậu ấy nói: “Hà Hảo, mình về rồi này!”
Nếu không phải cậu ấy người đầy bụi bặm thì tôi còn tưởng mình đang đứng dưới bóng râm của tòa nhà cũ, đợi cậu ấy toàn thân đẫm mồ hôi tạm biệt đám bạn vừa cùng chơi đá bóng, hổn hà hổn hển vui vẻ nói với tôi: “Hà Hảo, mình về rồi này!”
Sau đó cậu ấy sẽ vội vàng ừ ừ cạc cạc đáp lại mấy lời càu nhàu của tôi rằng không được uống nước ngay khi vừa vận động xong, hào hứng kể với tôi rằng hôm nay cậu ấy chơi tốt như thế nào, anh chàng nào mập đến nỗi bề ngang còn hơn cả cầu môn mà không giữ nổi bóng ra sao, anh chàng nào chuyền bóng hay thế nọ thế kia.
Cậu ấy vẫn y như cũ.
Tôi đã không thể nhớ nổi tôi làm sao nhớ được cái tên Tiếu Tùng, cũng không nhớ được câu đầu tiên tôi và cậu ấy nói chuyện là gì.
Giống như tôi không nhớ tiếng gọi mẹ đầu tiên trong cuộc đời xảy ra như thế nào.
Mẹ chính là mẹ.
Tiếu Tùng chính là Tiếu Tùng.
Cho đến năm 2011 khi xem bộ phim “Lật Ngược – Flipped”, khi nhìn thấy cô bé Juli tóc vàng mắt xanh xinh đẹp như trong truyện tranh lần đầu tiên nắm tay chàng trai mình thích, sống mũi tôi đột nhiên cay cay.
Tôi cứ ninh đinh Tiếu Tùng cũng không nhớ như tôi, bởi vì vào “lần đầu gặp gỡ”, hai đứa tôi còn nhỏ hơn hai nhân vật nam nữ chính trong phim kia.
Tôi và Tiếu Tùng ở hai nhà đối diện cửa nhau. Thường là khi tôi về, lên lầu, tra chìa khóa vào ổ, vặn khóa, còn chưa mở cửa thì cửa nhà đối diện sẽ vang lên âm thanh mở cửa rề rề, sau đó Tiếu Tùng chân xỏ dép lê, trên người mặc thun quần short, lười biếng dựa vào cửa, nheo nheo đôi mắt híp nửa mê nửa tỉnh lèo nhèo với tôi: “Mình hơi đói rồi nè.”
Sau đó đợi tôi mở cửa xong, tôi nói “qua đây đi” thì vội vàng nhảy một bước từ ngưỡng cửa bên đó qua cửa bên này.
Bởi vì Tiếu Tùng, tôi từ chỗ chỉ biết nấu mì tôm đã có thể thông thạo nấu một đĩa sườn xào chua ngọt ngon tuyệt vời.
Nhưng Tiếu Tùng trước sau vẫn khăng khăng rằng mẹ tôi nấu ăn ngon hơn tôi. Về điểm này tôi cho rằng cậu ấy chắc chắn là đang tâng bốc mẹ tôi. Tôi không biết bao nhiêu lần dụ cậu ấy nói thật nhưng cậu ấy vẫn khăng khăng không nhận.
Thói quen ăn chực này của Tiếu Tùng là do căn nhà quanh năm trống trải của cậu ấy, có lẽ đó cũng không thể gọi là nhà nữa. Bố mẹ cậy ấy thường ở bên ngoài làm kinh doanh, rất ít khi ở nhà, từ nhỏ đã gửi cậu ấy cho bà nội hơn năm mươi tuổi. Lúc nhỏ còn đỡ, bà nội còn cố gắng trông nom cậu. Nhưng khi Tiếu Tùng lớn một chút, khi cậu có thể chạy nhảy và tự ăn cơm thì bà nội cậu bắt đầu ngày ngày cùng mấy người bạn già chiến đấu trên bàn mạt chược, quả là tuổi cao chí càng cao.
Bởi vậy mỗi lần đến giờ cơm, mẹ tôi đều réo tôi đang ngồi dính mắt vào tivi đi gọi Tiếu Tùng qua ăn cơm. Mẹ thường dặn tôi: “Hảo Hảo à, còn chăm sóc Tiếu Tùng nhiều hơn nhé, cậu ấy bé hơn con, là em trai của con đó.”
Tôi nói: “Mẹ nhìn mà coi, cậu ấy nhỏ hơn con một tuổi mà cao hơn con bao nhiêu, tất cả là nhờ mẹ đó, sao mẹ không nuôi con gái mẹ được chu đáo như vậy?”
Bố tôi nói: “Con gái gầy một chút mới đẹp.”
Từ nhỏ đến lớn, tôi và Tiếu Tùng hình như chưa từng rời nhau, chúng tôi cùng học một trường tiểu học, cùng học cấp hai, thậm chí đến cấp ba cũng học cùng trường.
Hồi tiểu học, chuông tan lớp vừa kêu là cậu ấy đã lập tức đứng ở cửa lớp của tôi chờ sẵn cùng tôi về nhà.
Có một buổi sáng đi học, hai má của tôi bỗng sưng vù như hai cái bánh bao. Sáng sớm vừa vào lớp, cô chủ nhiệm gọi tôi đến, nhìn ngó mặt tôi nửa ngày sau đó nói với tôi: “Hà Hảo, hôm nay con về nhà trước đi, con bị quai bị rồi, sẽ lây cho các bạn, khi nào con khỏe rồi lại đi học nhé!”
Sau đó tôi được cô chủ nhiệm đưa về nhà dưới cái nhìn kinh hoàng của mấy đứa bạn chung lớp.
Chiều tối hôm đó, đến giờ tan học mà Tiếu Tùng vẫn chưa về, bà nội Tiếu Tùng lo lắng đến nỗi không chơi mạt chược nổi nữa, đi qua đi lại dưới lầu ngóng cậu. Chờ cả tiếng đồng hồ mới thấy xa xa Tiếu Tùng đang chậm rãi đi về. Bà nội Tiếu Tùng chạy lại tính mắng cho cậu một trận thì nhìn thấy trên mặt thằng cháu sưng bầm từng cục xanh xanh tím tím. Bà nội vừa kinh ngạc vừa tội nghiệp hỏi cậu ấy có phải mới đánh nhau ở bên ngoài không.
Gương mặt nhỏ của Tiếu Tùng lúc đó còn đang vô cùng phẫn nộ, cương quyết nói: “Không sao, con đánh nhau với một thằng ở lớp của Hà Hảo.”
Bà Tiếu lại hỏi: “Con thật là, đánh nhau với bạn học của Hà Hảo làm gì? Người ta đều lớn hơn con một hai tuổi, sao con đánh lại được mà đánh?”
Cậu ấy vênh mặt đáp: “Đánh được, con đánh cho nó khóc rồi! Ai bảo nó nói Hà Hảo sắp chết?”
Giọng nói đang vô cùng giận dữ của Tiếu Tùng khi ấy bỗng òa ra và khóe mắt bỗng đỏ lựng lên, cậu hỏi: “Bà nội, Hà Hảo có thật là sắp chết rồi không?”
Buổi tối hôm đó, tôi còn nhớ rất rõ.
Không phải chỉ vì tôi bị quai bị đau đến mức chỉ có thể uống sữa bằng bình mà còn bởi vì, khi tôi đang ôm bình sữa nằm ngửa trên sô pha xem ti vi, bà nội Tiếu đích thân dẫn Tiếu Tùng vào nhà để chứng thực rằng có phải tôi sắp chết hay không.
Sau này cho dù là bà nội Tiếu hay mẹ tôi, mỗi lần muốn kể chuyện cười đều lại nhắc đến hình tượng anh hùng dũng cảm vô đối Tiếu Tùng vì tôi bị quai bị mà rơi nước mắt, mà mỗi lần hai người họ nhắc đến chuyện này, Tiếu Tùng đều lạnh mặt lặng lẽ lẩn đi chỗ khác.
Lần đầu tiên Tiếu Tùng đánh nhau với người khác, lại còn đánh con người ta đến khóc luôn.
Đến khi tôi khỏe hơn và có thể đi học lại, tôi mới biết người bị đánh ở lớp tôi là thằng Mập. Kể ra thì cũng tội nghiệp nó, nó cứ nghĩ bị bệnh truyền nhiễm thì chắc chắn là bệnh nan y, chắc sau trận đòn đó nó không bao giờ dám nghĩ như vậy nữa.
Sau đó Tiếu Tùng ở lớp tôi có thể nói là đánh một trận để lại tên tuổi, gọi là “Em trai tốt của Hà Hảo”.
Có vài nữ sinh trong lớp bắt đầu hâm mộ cậu ấy, nói em trai tôi đối xử với tôi thật tốt, ngày ngày đợi tôi tan học về, có khi còn đeo cặp sách giúp tôi, vì tôi đánh nhau với thằng Mập. Thằng Mập lợi hại ra sao, cao ra sao, thịt nhiều thế nào, có mấy người đánh lại được đâu.
Tôi nói: “Các cậu đừng có mà ngưỡng mộ. Cậu ấy đeo cặp sách cho mình vì hai đứa mình chơi kéo búa bao cậu ấy thua nên phải chịu thôi.”
Một bạn nữ nói: “Thiệt tốt, mình cũng muốn có em trai cùng chơi kéo búa bao giống cậu.”
Tôi nói: “Không được, em trai mình chỉ có thể chơi kéo búa bao với mình thôi.”
Sau đó không biết vì sao, Tiếu Tùng cùng thằng Mập lớp tôi bắt tay làm hòa, cho đến khi tốt nghiệp tiểu học, Tiếu Tùng chơi với bạn cùng lớp tôi còn thân hơn tôi, còn xưng anh xưng em với đám con trai lớp tôi. Thậm chí đầu hè, bàn phía sau tôi chia nhau dưa hấu ăn còn đưa cho tôi một miếng mang về cho Tiếu Tùng, sau đó vì tiện thể nên cũng cho tôi một miếng.
Tốt nghiệp tiểu học, tôi vào một trường cấp hai cũng không tệ là Ngũ Trung, ngày tập trung nhìn thấy phiá xa một cậu bạn rất quen mắt. Đi lại gần nhìn thì nhận ra là bạn cùng lớp tiểu học Đổng Dã, ngay lập tức dâng lên niềm xúc động “gặp lại cố nhân”.
Tôi chạy lại chào hỏi: “Đổng Dã, thật là trùng hợp, mình không biết cậu cũng vào Ngũ Trung.”
Đổng Dã nói: “Trùng hợp ha, mình biết cậu vào Ngũ Trung từ lâu rồi.”
Tôi hỏi: “Sao cậu biết?”
Đổng Dã trả lời: “Tiếu Tùng nói với mình, hồi hè tụi mình đi ra ngoài chơi, chúc mừng tốt nghiệp nên gọi Tiếu Tùng đi. Tiếu Tùng hỏi tụi mình có ai vô Ngũ Trung không, mình nói có mình. Cậu ấy liền bảo cậu cũng ở Ngũ Trung, còn kêu mình giúp cậu ấy chăm sóc cậu trước một năm.”
Tôi kéo dài giọng nói: “Tụi mình là giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau thôi.”
Đứng dưới ánh nắng buổi trưa gay gắt, trong lòng tôi lúc đó thực ra đang lén lút cười thầm.
Năm đó là năm 2001, tôi vừa hay kết thúc tuổi ngơ ngác, bắt đầu tuổi thanh xuân.
Tôi không quá chiêm nghiệm câu “chăm sóc cậu trước một năm” của Đổng Dã, hay có thể nói tôi quá chú tâm đến từ “chăm sóc” mà không để ý từ “trước một năm”.
Sau khi lên cấp hai, tôi bắt đầu về nhà muộn hơn Tiếu Tùng, cùng không còn ai cùng tôi đi học về nữa, cũng không có ai trên đường về chơi kéo búa bao với tôi để đeo cặp sách giúp tôi nữa.
Sau khi lên cấp hai, tôi bắt đầu về nhà muộn hơn Tiếu Tùng, cùng không còn ai cùng tôi đi học về nữa, cũng không có ai trên đường về chơi kéo búa bao với tôi để đeo cặp sách giúp tôi nữa.
Mỗi lần tôi nhìn thấy Tiếu Tùng như con ngựa hoang đi chơi ở đẩu đâu chạy về, tôi đều sẽ lên mặt người lớn mà trầm tư nói với cậu ấy: “Đợi khi cậu đến tuổi này của chị rồi, cậu cũng ngày ngày làm bài tập thôi.”
Bị tôi càm ràm vô số lần như vậy, cuối cùng Tiếu Tùng chỉ nói một câu đã hạ gục được tôi. Cậu ấy nói: “Bài tập cậu làm một tiếng mình chỉ cần làm mười phút, bởi vì cậu ngốc!”
Câu nói này đả kích tôi rất lớn, vì vậy tôi dùng sự đả kích đó làm năng lượng đi làm món trứng xào cà chua mang đến trước mặt cậu ấy yêu cầu cậu ấy xin lỗi tôi.
Tiếu Tùng nhận đĩa trứng xào cà chua thơm lừng trong tay tôi, nói: “Cám ơn, lát nữa gặp.”
…..
Vì thiên thời địa lợi nhân hòa, quan hệ giữa tôi và Đổng Dã càng ngày càng tốt. Tôi ở lớp 3, cậu ấy ở lớp 7. Không giống với hồi tiểu học cứ gặp chào cái rồi thôi, bây giờ tôi với cậu ấy cứ gặp là nói chuyện một lát.
Những lần như thế nhiều vô cùng, cho đến một lần, một bạn nữ thích tám chuyện trên lớp nhỏ giọng hỏi tôi: “Hà Hảo, cậu và cái cậu ở lớp 7, tên cái gì Dã đó, có phải thích nhau rồi không?”
Tôi ngẩn người, trong đầu lặp đi lặp lại hai chữ “Thích nhau”.
Năm mười ba tuổi, tôi lần đầu tiên đem mấy chữ “thích nhau” đầy ám muội này khoác lên mình, thấy nó từ xa lạ trở nên gần gũi, từ mơ hồ trở nên rõ ràng thực tế.
Tôi biết hai má tôi chắc chắn là đỏ ửng lên, tôi nói: “Không có, cậu ấy là bạn học chung tiểu học của mình, hai đứa mình chỉ là bạn học cũ.”
Cô ấy gật gật đầu, bán tính bán nghi rời khỏi.
Mặc kệ cô bạn ấy tin hay không, tôi lại hơi hơi không tin. Tôi vào lúc này bắt đầu suy nghĩ, bắt đầu tưởng tượng tôi và Đổng Dã thích nhau thật rồi, đây với tôi cũng là điều dĩ nhiên, cứ như trăng đến rằm ắt sẽ tròn vậy.
Hai đứa tôi đi đường bắt đầu chậm hơn bình thường, lên xe về cũng muộn hơn, xuống xe cũng chậm hơn. Hai đứa tôi cứ nói mãi, nói đến khi chẳng rõ đang nói gì mà vẫn còn chuyện để nói, liên tu bất tận, nói cho đến tận dưới lầu nhà tôi.
Khi tôi bước đến bậc thang cuối cùng lên lầu thì bị một tiếng mở cửa rất lớn dọa cho hết hồn, xém chút lộn xuống cầu thang.
Tôi ngẩng đầu nhìn thấy Tiếu Tùng đứng ở cửa, nhỏ tí tuổi mà bắt đầu học thói chau mày hỏi tôi: “Sao cậu về nhà muộn vậy?”
Tôi nói: “Đâu có muộn, trời còn sáng mà?”
Cậu ấy nói: “Đã về nhà muộn còn hí hửng thế kia.”
Tôi nói: “Cậu nhìn thấy mình vui lúc nào?”
Cậu ấy nói: “Lúc ở trên lầu.”
Tôi bắt đầu hiểu thì ra cậu ấy đứng trên này nhìn thấy tôi và Đổng Dã. Tôi nói: “Cậu ấy đi đến nhà cô của cậu ấy, tiện đường đưa mình về nhà.”
Cậu ấy đứng trên cao ngó xuống tôi “ừ” một tiếng rõ to, sau đó đóng cửa một cái “đùng”.
Tiếu Tùng luôn giống như trẻ con, cười với tôi chọc tôi gầm gừ với tôi nhưng trước nay chưa bao giờ hành động như vậy với tôi, chỉ một tiếng “ừ” mà để lại bầu không khí lạnh lẽo chết người.
Ngày hôm đó tôi mặt tươi như hoa lên lầu, mặt lạnh như tiền bước vào nhà. Mẹ tôi đập cửa phòng kêu tôi ra ăn cơm, tôi nói tôi không ăn, tôi giảm cân.
Mẹ tôi nói vậy thì đi kêu Tiếu Tùng qua ăn cơm.
Tôi nói cậu ta cũng không ăn, cậu ấy cũng giảm cân.
Từ đó tôi và Tiếu Tùng bắt đầu chiến tranh lạnh, là lần đầu chiến tranh lạnh giữa chúng tôi mà đến nguyên nhân tôi cũng không rõ tại sao.
…..
— (còn tiếp) —
Scroll to Top